Nghiên cứu trao đổi

Di chúc miệng được coi là hợp pháp khi nào?

Di chúc thể hiện mong muốn của cá nhân về việc chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Ngoài di chúc được lập bằng văn bản, di chúc miệng cũng có thể được coi là hợp pháp nếu đáp ứng một số điều kiện theo luật định.

Di chúc miệng được coi là hợp pháp khi nào?

Di chúc miệng được coi là hợp pháp khi nào? (Ảnh minh họa)


Điều kiện để di chúc miệng được coi là hợp pháp

Thông thường, di chúc được lập bằng văn bản để thể hiện rõ ý chí của cá nhân. Thế nhưng, trong các trường hợp sức khỏe nguy kịch, bị cái chết đe dọa…, cá nhân không thể lập di chúc bằng văn bản mà phải chọn hình thức di chúc miệng để thể hiện mong muốn cuối cùng của mình về việc phân chia tài sản sau khi chết.

Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu đáp ứng các điều kiện sau:

– Người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất 02 người làm chứng;

– Ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại và cùng ký tên hoặc điểm chỉ;

– Trong 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Ngoài 03 điều kiện nêu trên, di chúc miệng chỉ được coi là hợp pháp nếu đáp ứng các điều kiện chung khác như: Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức…


Di chúc miệng hợp pháp vẫn có thể bị hủy bỏ

Nếu đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên, di chúc miệng được coi là hợp pháp và những người có tên trong di chúc được quyền phân chia tài sản thừa kế theo di chúc. Tuy nhiên, có trường hợp di chúc miệng dù hợp pháp vẫn có thể bị hủy bỏ.

Theo khoản 2 Điều 629 Bộ luật Dân sự 2015, sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

Như vậy, trong trường hợp di chúc miệng bị hủy bỏ nêu trên, để thể hiện nguyện vọng của mình về việc phân chia tài sản sau khi chết, cá nhân phải lập di chúc bằng văn bản.

Riêng về người làm chứng, Điều 632 Bộ luật Dân sự quy định, những sau không được làm chứng cho việc lập di chúc: Người thừa kế của người lập di chúc; Người có quyền và nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung di chúc; Người chưa thành niên, người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Nếu để những người này làm chứng khi lập di chúc miệng, di chúc miệng cũng không được công nhận về mặt pháp lý.

Nguồn: luatvietnam.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

*

Bạn cần tư vấn, hỗ trợ. Vui lòng gọi
Mở cửa từ thứ 2 đến sáng thứ 7.
Ngoài giờ làm việc vui lòng gọi di động: 0917 546 789
Số 27 lô A1, đường số 4, KDC Nam Long, P. Hưng Thạnh, Q. Cái Răng, TP. Cần Thơ
THỪA PHÁT LẠI © 2017