Không có tên trong di chúc, ai vẫn được hưởng thừa kế?
Con người sở hữu tài sản
thì có toàn quyền định đoạt đối với tài sản của mình. Nhưng có một số
người vẫn nghiễm nhiên được hưởng tài sản của bạn khi bạn mất mặc dù
trong di chúc bạn không cho họ một đồng nào. Họ là ai?
Cụ thể tại Bản án 47/2017/DS-ST ngày 08/09/2017 về kiện chia di sản thừa kế có nội dung tóm tắt như sau:
“ Bà Vũ Thị L kết hôn với ông Nguyễn Văn S vào năm 1978. Ông S trước đây đã có vợ và một con riêng tên là Nguyễn Quang S hiện đang cư trú tại ấp Phú Hợp A, xã PB, huyện TP, tỉnh Đồng Nai. Vợ chồng bà L và ông S đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích 100 m2 tại thửa số 68, tờ bản đồ số 21 xã Hải Giang vào ngày 08-7-1998. Bà Vũ Thị L và ông Nguyễn Văn S cùng sống trên mảnh đất này, đây là tài sản chung của vợ chồng bà.
Trước khi mất, ông Nguyễn Văn S có để lại di chúc với nội dung để lại hết đất cho ông Nguyễn Quang S. Bà L hoàn toàn không nhất trí với nội dung bản di chúc, đề nghị Tòa án hủy bỏ bản di chúc, chia thừa kế của ông S để lại theo quy định của pháp luật, bà L xin được chia bằng hiện vật, nhận quản lý, sử dụng cả thổ đất nêu trên và nhận trách nhiệm thanh toán giá trị chênh lệch cho ông S.”
Tòa án nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đã quyết định: Chia cho bà Vũ Thị L được quyền quản lý, sử dụng diện tích 100 m2 đất ở tại thửa số 68, tờ bản đồ số 21 của xã HG, huyện HH, tỉnh Nam Định. Nhưng bà L phải có trách nhiệm thanh toán cho ông Nguyễn Quang S 38.000.000đ (ba mươi tám triệu đồng).
Tài sản thuộc quyền sở hữu của một người thì người đó có quyền tự định đoạt tài sản của mình sau khi chết. Nhưng chế định người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc là chế định hạn chế một phần ý chí của người để lại di sản. Bởi vì pháp luật việt Nam coi quyền sở hữu chỉ là một quyền tương đối và chủ sở hữu có nhiệm vụ giữ gìn tài sản đối với gia đình, xã hội và không công nhận cá nhân hoàn toàn tự do định đoạt tài sản của mình. Trước khi chết, người có tài sản có quyền định đoạt tài sản của mình trong di chúc cho ai theo ý chí của họ nhưng không hoàn toàn tự do trong việc định đoạt này.
Thực ra chế định “người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc” đã được quy định trong Pháp lệnh thừa kế năm 1990 và Thông tư 81/TANDTC năm 1981. Tòa án còn vận dụng chế định này đối với di chúc được lập vào thời điểm mở thừa kế xảy ra trước khi có Thông tư 81/TANDTC năm 1981.
Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc gồm những ai?
Theo điều 644 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người thừa kế không phụ thuộc di chúc gồm những người sau:
Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.
Theo quy định, số lượng người được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc rất ít. Vì số người này càng đông thì quyền tự do định đoạt của người để lại di sản càng bị hạn chế.
Nhiều người lầm tưởng rằng tất cả những người ở hàng thừa kế thứ nhất sẽ thuộc diện thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc nhưng chiếu theo điều 644 Bộ luật dân sự 2015 chỉ bao gồm: “con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng và con đã thành niên không có khả năng lao động”. Như vậy, không phải ai thuộc hàng thừa kế thứ nhất cũng được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc mà chỉ một số người thuộc hàng thừa kế thứ nhất được bảo vệ bởi chế định này.
Trong số những người nên trên không phải trong mọi trường hợp họ được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Bỡi lẽ theo khoản 2 Điều 644, quy định này không áp dụng đối với những người không có quyền nhận di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Theo bản án trên, mặc dù theo di chúc ông Nguyễn Văn S để lại toàn bộ tài sản cho con mình là ông Nguyễn Quang S nhưng cuối cùng lại phải chia cho bà L một phần tài sản của mình. Bởi vì bà L tuy không được ông Nguyễn Văn S chia tài sản theo di chúc nhưng bà là vợ hợp pháp của ông, không được chồng mình cho hưởng di sản nên sẽ được pháp luật bảo vệ theo chế định này.
Ngoài ra, khi áp dụng chế định về người thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc trong việc chia thừa kế, cần lưu ý một số vấn đề sau:
– Con chưa thành niên của người để lại di sản: Trong trường hợp này, độ tuổi chưa thành niên được xác định tại thời điểm mở thừa kế tức là thời điểm người có di sản thừa kế chết.
– Con đã thành niên không có khả năng lao động: Bộ luật dân sự hiện không quy định rõ vấn đề này. Tuy nhiên tại Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP không định nghĩa nhưng đã đưa ra một số trường hợp được coi là mất khả năng lao động. Đó là: người bị thiệt hại không còn khả năng lao động do bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên.
– Con của người để lại di sản sẽ không phân biệt con đẻ, con nuôi, con trong hay ngoài giá thú. Trường hợp con nuôi phải là con nuôi hợp pháp. Ngoài ra, quyền này còn ghi nhận đối với người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.
– Vợ, chồng của người để lại di sản: Vợ chồng ở đây được hiểu là vợ, chồng ở đây phải là vợ, chồng hợp pháp của người lập di chúc, tuân theo pháp luật về hôn nhân và gia đình.
– Cha mẹ của người để lại di sản: Cha, mẹ được hiểu ở đây là cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi của người để lại di sản (không bao gồm cha mẹ của vợ/chồng).
Hy vọng bài viết trên sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về chế định người thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc.
banan.thuvienphapluat.vn